Cây Ớt là một loại cây gia vị được sử dụng phổ biến trên thế giới. Ngoài các công dụng là cây gia vị, cây vị thuốc, ngày nay Ớt còn được sử dụng làm cây cảnh trang trí cho khu vườn của bạn.
ĐẶC ĐIỂM
Cây Ớt là loài cây thân thảo lâu năm, thường được trồng như cây 1 năm, cao khoảng 30 – 60 cm, gồm nhiều phân nhánh. Lá đơn mọc xen kẽ nhau, hình mác. Hoa đơn lẻ mọc tại nách lá hoặc mọc thành cụm trên đỉnh, hoa nhỏ và có màu trắng.
Cây Ớt cảnh mọng và thẳng đứng, nhỏ và nhọn, có hình dáng như ngón tay hoặc hình cầu, khi chín có các màu như trắng, vàng, cam, đỏ, tím, quả sáng bóng. Vỏ quả ớt bóng nhẵn rất đẹp mắt. Ớt có hạt dẹp, vỏ hạt cứng khi chín và khô.
CÔNG DỤNG
Giảm béo: Chất capsaicin có khả năng sinh nhiệt lớn vì đây là chất tạo cảm giác cay xè khi ăn Ớt. Vì vậy, ăn ớt giúp làm đốt cháy các chất béo và calo hơn, giúp giảm béo tốt hơn. Bên cạnh đó, ăn Ớt giúp giảm cân hiệu quả bởi chất capsaicin giúp tăng tỷ lệ trao đổi chất trong cơ thể, tạo cảm giác no khi ăn.
Ngăn ngừa cảm cúm: Ăn Ớt thường xuyên giúp làm sạch cơ thể và có thể phòng chống bệnh cảm cúm và các bệnh liên quan đến hô hấp.
Giúp giảm đau: Chất capsaicin trong ớt còn có tác dụng giảm đau và có liên quan đến thuốc gây tê.
Cải thiện hệ tuần hoàn máu: Bổ sung Ớt vào bữa ăn hàng ngày có tác dụng giải độc máu và làm giảm cholesterol.
Giúp ngủ ngon: những người ăn Ớt thường xuyên có giấc ngủ chất lượng và kéo dài hơn 30% so với người ít ăn Ớt.
KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
Lượng nước tưới:
Cách để cây Ớt giữ được độ ẩm lâu và tiết kiệm công sức cũng như hiệu quả nhất là nên tưới vào các rãnh của luống cây, ngoài ra bạn có thể sử dụng thêm phương pháp tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun nếu có hệ thống tưới.
Vào những mùa khô và giai đoạn cây ra hoa tạo quả nên tưới nước thường xuyên cho cây để cây Ớt có đủ điều kiện để phát triển tăng năng suất, khi tưới nên cẩn thận tránh làm rụng hoa và quả.
Bón phân:
Sau khi trồng cây được khoảng 1 tháng sau nên tiến hành bón thúc đợt 1 cho cây với tỉ lệ: 30% phân NPK (16 – 16 – 8); 40% phân hữu cơ hoai mục; 20% phân đạm; 10% phân urê. Sau 25 ngày, tiếp tục bón thêm đợt 2: 50% phân NPK; 30% Super Humic; 20% phân KCL. Vào mỗi đợt chuẩn bị thu hoạch nên bổ sung thêm phân Kali và phân Lân cho quả đạt năng suất.
Tỉa cành, tạo tán cho cây:
Cần định kỳ 3 tháng/lần tiến hành tỉa các lá và cành mọc sát gốc, để cây có thêm diện tích phát triển và hạn chế được sâu bệnh gây hại.
Một số mầm bệnh Ớt thường gặp phải:
Bệnh Rệp hại bông
Bệnh này do rệp Aphis gossypii Glover gây hại, khi bị nhiễm bệnh cây thường cho trái ít, hoặc trái bị dị tật, nếu để nặng hơn cây sẽ không ra trái mà chết dần. Để phòng trị loại bệnh này, cần tách ly hoặc tiêu hủy ngay những cây bị bệnh trước khi rệp lây lan, ngoài ra có thể dùng thuốc Diazinon để xử lí tình trạng bệnh cho cây.
Bệnh đốm lá
Bệnh đốm lá do nấm Cercospora capsici gây ra, loại bệnh này thường gây hại trên lá, khi bị bệnh trên lá thường xuất hiện những đốm nhỏ có màu nâu xám, về sau các vết bệnh loang rộng ra bề mặt lá, gây chết lá và rụng lá sớm. Để phòng trừ loại bệnh này, cần cân đối lượng đạm khi bón phân cho cây, ngoài ra có thể sử dụng thêm thuốc bảo vệ thực phun định kỳ 2 tháng/lần để phòng ngừa bệnh gây hại.