Cây Lộc vừng là loài cây bóng mát mang ý nghĩa phong thủy tốt. Lộc vừng rất được ưa chuộm trong khuôn viên sân vườn của nhiều gia đình đem đến may mắn, tài lộc dồi dào, hưng thịnh… Loài cây đẹp này còn có một số tên gọi khác như: cây Mưng hay cây Lộc Mưng.
ĐẶC ĐIỂM
Lộc vừng là cây thân gỗ lâu năm, có tên khoa học là Barringtonia acutangula; với chiều cao trưởng thành có thể lên đến 15 – 20m và đường kính thân 40 – 50cm.
Thân cây lúc còn non có màu xanh khi về già thân sần sùi có màu màu xám chuyển sang nâu, nứt dọc hay bong mảng dạng chữ nhật. Thịt vỏ đỏ hồng, nhiều sơ, có dịch đỏ, vỏ lụa trắng vàng.
Cây có cành nhánh nhiều, tán lá rộng; lá đơn, mọc cách, lá thuôn tròn và hơi to, có hình trứng ngược hay hình bầu dục, đầu tù hay có mũi nhọn ngắn, thót dần về phía cuống. Lá Lộc vừng có màu xanh mướt; đặc biệt khi mới nhú lá có màu của lộc non. Khi già, bề mặt lá nhẵn, mép có răng cưa nhẹ mềm mại, mặt trên đậm màu hơn mặt dưới, gân bên nổi rõ, cuống ngắn, rụng để lại sẹo hình lưỡi liềm.
Lộc vừng có cụm hoa mọc dài từ 6 – 10cm với các màu đỏ, trắng, hồng; tọ vẻ đẹp thướt tha, mềm mại và đầy quyến rũ. Đặc biệt hoa Lộc vừng chỉ nở vào ban đêm với mùi hương thoang thoảng, thường hay nở rộ vào đầu tháng 3.
CÔNG DỤNG
Bên cạnh ý nghĩa phong thủy tốt, Lộc vừng là cây bóng mát có dáng đẹp cho hoa xinh.
Đọt và lá non cảu cây dùng làm rau ăn sống hoặc nấu canh chua.
Các bộ phận của cây dùng làm thuốc chữa các bệnh như: chàm, đau răng, tiêu chảy hạ sốt, giải nhiệt, ….
Quả Lộc Vừng đâm nát có thể dùng làm bả, làm mồi để diệt cá trong các sông, suối, ao, hồ khiến cho cá khờ và dễ bắt.
Cũng có thể vì thế mà Lộc vừng được nhiều người ưa chuộng thường chọn trồng làm cây bóng mát và tạo cảnh quan xanh cho sân vườn, nơi công cộng như công viên, bệnh viện, trường học hay khu đô thị, khu sinh vật cảnh,…
KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
Lộc vừng là cây chịu hạn và chịu úng tốt, nên không kén nơi trồng. Tuy nhiên khi trồng cần lưu ý trồng ở đất tơi xốp, thoát nước tốt; nếu trồng ở đất rễ cây sẽ phát triển rất sâu hút chất dinh dưỡng trong lòng đất bởi thế ta không cần phải tưới nước quá nhiều; còn trồng trong chậu thì nên tưới nước thường xuyên nhé.
Trồng Lộc vừng không khó nhưng để chăm sóc cho cây trở nên xanh tốt, phát triển khoẻ đẹp và cho hoa thường xuyên thì không dễ dàng nhé. Vị trí trồng cây cũng khá quan trọng, đây là cây ưa sáng nên cần được trồng ngoài trời để cây hấp thụ đủ ánh sáng cho quá trình quang hợp, trao đổi chất.
Nếu thấy có hiện tượng héo lá, cây không ra hoa hay cành chết, ta cần đảm bảo cây không bị úng nước và không sâu bệnh, nếu có hiện tượng sâu bệnh cần phải phun thuốc ngay.
Ý NGHĨA
Cây Lộc vừng là một trong bốn loài cây tứ quý: sanh, sung, tùng, lộc; Chữ “Lộc“ ứng với Tài lộc, còn “Vừng“ mang hàm ý nhỏ nhưng nhiều – mang đến ý nghĩa phong thủy tốt lành; mang lại sự tài lộc và may mắn cho người chủ.
Những chùm hoa mềm mại và thơ mộng tượng trưng cho hỷ sự, gắn liền với ngụ ý phát lộc, phát tài. Mọi người tin rằng khi lộc vừng ra hoa có nghĩa là tài lộc đến.
Đối với những cây Lộc vừng to, vững chắc tượng trưng cho ý chí kiên định, khó lay chuyển của gia chủ. Tuổi thọ cao của cây này mang ý nghĩa trường thọ cho mọi thành viên trong gia đình. Cũng theo quan niệm của người xưa, cây Lộc vừng còn đem lại cảm giác bình yên, an toàn.